T2, 07 / 2020 5:18 chiều | minhanh

Với bề dày nhiều năm kinh nghiệm, Tư vấn Blue luôn mong muốn được chia sẻ đến quý khách những thông tin đầy đủ và cập nhật về quy định pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý khách bài viết Quy định của pháp luật về góp vốn vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Quy định về góp vốn vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
  1. Một số điều cần biết về hợp tác xã và góp vốn vào hợp tác xã

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của hợp tác xã.

Vốn góp tối thiểu là số vốn mà cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải góp vào vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên.

Vốn điều lệ là tổng số vốn do thành viên, hợp tác xã thành viên góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Việc góp đủ vốn vào hợp tác xã giúp các thành viên, hợp tác xã thành viên bình đẳng với nhau trong tổ chức, giúp họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một thành viên, hợp tác xã thành viên.. Các thành viên hợp tác xã có quyền biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ. Hơn hết, việc góp vốn giúp hợp tác xã có được tài sản để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, quản lý, điều hành

  1. Quy định của pháp luật về việc tăng, giảm vốn điều lệ của hợp tác xã

– Vốn điều lệ của hợp tác xã tăng trong trường hợp đại hội thành viên quyết định tăng mức vốn góp tối thiểu hoặc huy động thêm vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới.

– Vốn điều lệ của hợp tác xã giảm khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên.

– Trường hợp vốn điều lệ giảm mà có thành viên, hợp tác xã thành viên có vốn góp vượt quá mức vốn góp tối đa (20%) theo quy định thì phải trả lại phần vốn vượt mức vốn góp tối đa hoặc huy động thêm vốn của thành viên, hợp tác xã thành, viên khác hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới để bảo đảm về tỷ lệ vốn góp tối đa theo quy định của pháp luật và điều lệ.

– Đối với hợp tác xã hoạt động trong ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ sau khi giảm không được thấp hơn vốn pháp định áp dụng đối với ngành, nghề đó.

  1. Góp vốn điều lệ
  • Mức góp vốn của các thành viên hợp tác xã

– Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

– Đối với liên hiệp hợp tác xã, vốn góp của hợp tác xã thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã.

– Đối với việc góp vốn bằng tài sản không phải là tiền Việt Nam đồng thì phải được định giá bởi đơn vị định giá chuyên nghiệp hoặc được các thành viên hội đồng quản trị của hợp tác xã nhất trí. Nếu việc định giá tài sản cao hơn giá thị trường thì các thành viên hội đồng quản trị phải liên đới chịu trách nhiệm. Đối với tài sản pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp tác xã phải thực hiện việc đăng ký quyền tài sản.

– Trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào hợp tác xã, thành viên phải tiến hành thủ tục sang tên:

+ Công chứng hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hồ sơ cần: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, biên bản định giá, chứng minh nhân dân/hộ khẩu của thành viên (nếu là cá nhân); giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập (nếu là tổ chức); giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của hợp tác xã.

+ Sang tên quyền sử dụng đất: hồ sơ nêu trên được bổ sung thêm: hợp đồng góp vốn công chứng; tờ khai thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ và được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để sang tên quyền sử dụng đất cho hợp tác xã.

  • Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.
  • Khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp với các nội dung chủ yếu sau:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

– Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình.

Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Đối với hợp tác xã thành viên thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký của hợp tác xã thành viên; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên;

– Tổng số vốn góp; thời điểm góp vốn;

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

  1. Trả lại, thừa kế vốn góp
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định.
  • Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật Hợp tác xã và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.

  • Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.
  • Trường hợp thành viên là pháp nhân, hợp tác xã thành viên bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.

Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí!

Bài viết cùng chuyên mục