T6, 06 / 2020 4:05 chiều | minhanh

Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay với cơ cấu vốn hết sức linh hoạt và việc chuyển nhượng vốn dễ dàng, tạo điều kiện cho nhiều người cùng góp vốn vào công ty. Trong bài viết hôm nay, Tư vấn Blue xin gửi đến quý khách một số thông tin về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần hy vọng có thể giải đáp phần nào thắc mắc của quý khách.

 

Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

 

  1. Thế nào là chuyển nhượng cổ phần?
  •  Đầu tiên, có thể hiểu cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia từ vốn điều lệ. Người sở hữu cổ phần được gọi là cổ đông.

Cổ phần được chia làm 02 loại chính bao gồm cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.

– Cổ phần phổ thông: là cổ phần bắt buộc phải có trong công ty cổ phần. Người sở hữu cổ phần phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông.

– Cổ phần ưu đãi: là loại cổ phần khi có cổ đông sở hữu nó thì sẽ được một số ưu đãi về quyền lợi lớn hơn những cổ đông không sở hữu loại cổ phần đó. Cổ phần ưu đãi có 3 loại: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại

  •  Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần (Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014). Như vậy cổ đông sáng lập chỉ bao gồm các cổ đông tham gia góp cổ phần khi thành lập công ty. Các cổ đông nhận chuyển nhượng của cổ đông sáng lập không được coi là cổ đông sáng lập.
  • Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần chuyển nhượng lại phần góp vốn, vốn góp của mình cho một cổ đông khác (trừ một số trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoảng 1 Điều 126 Luật doanh nghiệp 2014) nhưng không làm thay đổi cấu trúc vốn điều lệ.
  1. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”

Nhìn chung, cổ phần của công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng, không bị giới hạn về đối tượng được nhận chuyển nhượng cũng như số lượng cổ phần được chuyển nhượng. Người sở hữu cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng một phần hay toàn bộ số cổ phần mình nắm giữ cho người khác theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần:

  • Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
  • Điều lệ công ty có quy định về việc hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần.
  • Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng

Như vậy, xét về nguyên tắc chung thì các cổ đông trong công ty cổ phần có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình. Sau 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp thì mọi hạn chế đối với cổ đông sáng lập được bãi bỏ. Nếu so sánh với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì công ty cổ phần có nguyên tắc chuyển nhượng vốn linh hoạt và tự do hơn (công ty TNHH hạn chế chuyển nhượng phần vốn góp cho người ngoài công ty). Việc tự do chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần cũng là đặc điểm chỉ có ở công ty cổ phần, tạo ra sự năng động về vốn song vẫn giữ được sự ổn định trong công ty cổ phần.

◊ Lưu ý: Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các hạn chế này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.

  1. Cách thức chuyển nhượng cổ phần

Cổ phần có thể được chuyển nhượng thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán:

  • Hình thức chuyển nhượng thông qua hợp đồng:  Nếu chuyển nhượng thông qua hợp đồng thì các bên tham gia phải tuân thủ các quy định trong Bộ luật Dân sự. Việc chuyển nhượng được xem như một hợp đồng dân sự mua bán chuyển nhượng cổ phần giữa bên chuyển nhượng (bên bán) và bên nhận chuyển nhượng (bên mua). Hai bên có thể thỏa thuận về giá chuyển nhượng, số cổ phần chuyển nhượng, cách thức thanh toán… Hợp đồng được lập bằng văn bản và phải có chữ ký của cả hai bên hoặc của người đại diện theo ủy quyền của họ.
  • Nếu chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự thủ tục phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán. Người muốn chuyển nhượng cổ phần có thể thông qua doanh nghiệp phát hành chứng khoán đăng ký với Ủy ban chứng khoán nhà nước để thực hiện việc chào bán cổ phần ra thị trường.
  1. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần

Căn cứ Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP “việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp”. Như vậy, doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh mà chỉ cần lưu giữ hồ sơ nội bộ về chuyển nhượng cổ phần và thực hiện khai và nộp thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần.

Các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch đầu tư.

Hồ sơ bao gồm:

  • Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
  • Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng
  • Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần.
  • Bản sao, chứng thực cá nhân của cổ đông chuyển nhượng và người được chuyển nhượng hoặc của người được ủy quyền bằng văn bản ủy quyền.
  • Biên bản họp, quyết định của Đại Hội đồng cổ đông công ty.

Trong trường hợp là cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần làm thay đổi thông tin cổ đông sáng lập thì cần gửi thông báo đến phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP, nội dung thông báo gồm:

  • Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
  • Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập đối với cổ đông sáng lập là tổ chức hoặc họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông sáng lập là cá nhân;
  • Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
  1. Thuế chuyển nhượng cổ phần:

Đối với việc chuyển nhượng cổ phần, người chuyển nhượng phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức sau:

[Thuế TNCN phải nộp] = [Giá chuyển nhượng từng lần] x [Thuế suất 0,1%]

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

  • Trường hợp cá nhân chuyển nhượng tự nộp hồ sơ: trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hơp đồng chuyển nhượng
  • Trường hợp kê khai thông qua doanh nghiệp: thực hiện trước khi có Giấy chứng nhận ĐKDN mới.

 

 

Bài viết cùng chuyên mục