Trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa, dịch vụ rất đa dạng và phong phú. Để có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường, điều mà một công ty cần chính là sự khác biệt giữa sản phẩm của mình với sản phẩm của các công ty khác. Nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng sản phẩm của công ty trong mắt người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có sự tin tưởng, gắn kết với các sản phẩm của công ty. Trong bài viết ngày hôm nay, Tư vấn Blue gửi đến các bạn một số thông tin về nhãn hiệu và lợi ích của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
- Thế nào là nhãn hiệu?
Nhãn hiệu (trademark) theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”.
Và theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, chứa đựng các chỉ dẫn thương mại, là cầu nối giữa nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ đối với người tiêu dùng.
- Phân loại nhãn hiệu
2.1. Phân loại theo mục đích sử dụng:
- Nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng cho sản phẩm hàng hóa, dùng để phân biệt hàng hóa của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau nhằm mục đích cho biết ai là người sản xuất ra những loại hàng hóa đó chứ không phải hàng hóa đó là gì. Các nhãn hiệu mang tính chất mô tả, có sự liên quan hoặc là tên gọi của sản phẩm thì nhãn hiệu đó sẽ không có khả năng đăng ký.
- Nhãn hiệu dịch vụ sử dụng cho các ngành dịch vụ, thường được gắn trên các bảng hiệu dịch vụ để người có nhu cầu hưởng thụ dịch vụ đó có thể dễ dàng nhận biết.
2.2. Phân loại theo tính chất:
- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu có nhiều chủ đồng sở hữu và sử dụng. Nhãn hiệu tập thể dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác không phải là thành viên của tổ chức đó ( khoản 17 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).
Đặc trưng của nhãn hiệu tập thể là nhiều chủ thể có quyền sử dụng nó nhưng cần lưu ý là khi một tập thể sử dụng nhãn hiệu nhân danh tập thể thì nhãn hiệu đó không được coi là nhãn hiệu tập thể nữa mà mà nhãn hiệu bình thường vì nó do một chủ thể sử dụng.
- Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau do cùng một chủ sở hữu đăng ký để sử dụng trên các sản phẩm có nhiều phiên bản khác nhau. Ví dụ: Các dòng sản phẩm của Honda về xe máy Wave bao gồm: Wave, Wave RX, Wave SX…
- Nhãn hiệu chứng nhận dùng để chứng nhận về đặc tính của sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, phương pháp sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng…Ví dụ: Nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao
- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu đã có danh tiếng, được nhiều người biết đến như Coca-cola, Pepsi, Apple, Samsung,…
- Chức năng của nhãn hiệu
- Chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu hàng hóa:
Trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa, dịch vụ rất đa dạng và phong phú. Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ để mua chủ yếu dựa vào các dấu hiệu hay nhãn hiệu hàng hóa mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh gắn trên sản phẩm, bao bì sản phẩm khi đưa ra thị trường. Như vậy, nhãn hiệu hàng hóa có chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhờ có nhãn hiệu hàng hóa mà người tiêu dùng có thể xác định được hàng hóa, dịch vụ mà mình yêu thích.
- Chức năng thông tin nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ:
Nhìn vào nhãn hiệu hàng hóa, người tiêu dùng có thể có quyền nghĩ rằng các sản phẩm mang cùng nhãn hiệu hàng hóa đều có cùng nguồn gốc hoặc có mối liên hệ giữa các nhà sản xuất khác nhau sử dụng nhãn hiệu hàng hóa giống nhau. Đối với các hàng hóa nhập khẩu hoặc sản xuất theo hợp đồng li-xăng, thì nhãn hiệu hàng hóa còn đóng vai trò chỉ dẫn nguồn gốc của hàng hóa đó.
- Chức năng thông tin về sản phẩm:
Người tiêu dùng thường chọn mua một loại hàng hóa vì họ đã từng sử dụng và biết được chất lượng của hàng hóa, sản phẩm được chế tạo từ loại vật liệu gì, hàng hóa đó phù hợp với nguồn tài chính của họ và nhiều thông tin khác về sản phẩm đó thông qua việc nhìn nhãn hiệu trên sản phẩm. Như vậy, nhãn hiệu hàng hóa có chức năng thông tin gián tiếp về sản phẩm.
- Chức năng quảng cáo:
Thông qua vai trò cá thể hóa sản phẩm, màu sắc, sự nổi tiếng của nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa còn thực hiện chức năng quảng cáo sản phẩm cho nhà sản xuất để sản phẩm có thể sớm đến được với người tiêu dùng.
- Chức năng kiểm tra và tổ chức thị trường:
Sự nổi tiếng của nhãn hiệu hàng hóa thu hót nhà sản xuất đi đến lựa chọn nhãn hiệu hàng hóa làm phương tiện để kiểm tra thị trường. Nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng chiếm lĩnh thị trường, thị phần càng lớn, thì nhà sản xuất có nhiều cơ hội để kiểm tra và tổ chức thị trường có lợi cho mình.
- Lợi ích của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Trong điều kiện nền kinh tế phát triển và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu một người đã đầu tư công sức, tài chính để tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng lại không tiến hành đăng ký quyền cho đối tượng đó thì sẽ không được pháp luật bảo hộ trong trường hợp có người khác sử dụng hoặc đăng ký trước. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là công việc thật sự cần thiết. Có thể kể đến một số lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu.
- Giúp bạn được độc quyền sử dụng nhãn hiệu: Khi đăng ký nhãn hiệu, bạn sẽ được pháp luật bảo hộ toàn diện. Theo đó, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có quyền sử dụng nhãn hiệu tương tự như bạn, trong cùng lĩnh vực. Điều này giúp sản phẩm của bạn là độc quyền trên thị trường. Góp phần hạn chế tối đa sự nhầm lẫn của người tiêu dùng.
- Bảo vệ nhãn hiệu khỏi các hành vi xâm phạm: Hành vi xâm phạm nhãn hiệu được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điển hình nhất là hành vi sử dụng logo, nhãn hiệu tương đương trong cùng lĩnh vực. Nếu không đăng ký nhãn hiệu, sẽ rất khó để bạn đòi lại quyền lợi của mình. Ngược lại, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc chống lại hành vi trên. Chính vì vậy, hãy nhanh chóng đăng ký ngay hôm nay nhé.
- Giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, dịch vụ: Khách hàng thường có xu thế ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đã đăng ký vì các sản phẩm đã đăng ký sẽ hạn chế được tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm.
- Bên cạnh đó, nhãn hiệu hàng hoá trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tác dụng này hiện nay đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Hy vọng một số thông tin trên có thể giúp quý khách giải đáp thắc mắc về nhãn hiệu. Nếu quý khách muốn tìm hiểu thêm về việc đăng ký nhãn hiệu, hãy gọi cho Tư vấn Blue để được cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết và nhanh chóng!