Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có quy mô lớn dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng trong việc quản lý. Khi đó, tách doanh nghiệp là một phương thức tổ chức lại phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để có thể tách doanh nghiệp? Bài viết hôm nay của Tư vấn Blue sẽ giải đáp thắc mắc của quý khách về Thủ tục tách doanh nghiệp.
- Đối tượng được tách doanh nghiệp
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 193, Luật Doanh nghiệp 2014 thì đối tượng được tách doanh nghiệp là: công ty TNHH và công ty cổ phần.
- Phương thức tách doanh nghiệp
– Tách một phần cổ phần, phần vốn góp của các cổ đông, thành viên cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp được tách sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.
– Toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của một hoặc một số cổ đông, thành viên cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới.
– Kết hợp cả hai trường hợp ở trên.
- Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Dự thảo Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên công ty, cổ đông sáng lập (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần)
- Nghị quyết tách công ty
- Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:
– Giấy chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) còn hiệu lực đối với thành viên là cá nhân;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên là tổ chức, kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức
- Bản sao hợp lệ biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chia công ty và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị tách
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị tách
- Thủ tục tách công ty TNHH và công ty cổ phần
- Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo uy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Trong đó cần lưu ý:
– Nghị quyết tách công ty phải có nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty;
– Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết;
- Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty.
– Soạn hồ sơ và nộp hồ sơ đã chuẩn bị cho Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty bị tách đặt trụ sở.
Thời gian: Sau 3 ngày làm việc, doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp mới.
– Công ty mới tiến hành khắc dấu và thông báo mẫu con dấu của mình.
Lưu ý:
- Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cũng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.
- Số lượng thành viên, cổ đông và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của thành viên, cổ đông và vốn điều lệ của các công ty mới sẽ được ghi tương ứng với cách thức chia, tách, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị tách sang công ty mới tương ứng với các trường hợp luật định.
- Các giấy tờ hồ sơ nêu trên chỉ mang tính tham khảo và có thể cần bổ sung thêm tùy vào yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.