Các tập đoàn kinh kế mạnh xuyên quốc gia trên thế giới cũng như các tập đoàn kinh tế Việt nam hiện nay thường được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Vậy mô hình này có ưu thế gì để được các doanh nghiệp lớn lựa chọn? Bài viết về ưu điểm và hạn chế của mô hình công ty mẹ, công ty con hôm nay sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của quý khách.
- Công ty mẹ là một công ty sở hữu một phần chính hoặc toàn bộ số cổ phần của một công ty khác để có thể kiểm soát việc điều hành và các hoạt động của công ty này (công ty con) bằng việc gây ảnh hưởng hoặc bầu ra Hội đồng quản trị. Công ty mẹ chính là công ty đầu tư vốn vào vốn điều lệ của một hoặc một số công ty khác thông qua đó nắm quyền kiểm soát chúng. Như vậy bản chất pháp lý của công ty mẹ, công ty con thể hiện mối quan hệ sở hữu vốn điều lệ giữa chúng với nhau. Sự vận động của các cổ phần trong vốn điều lệ dẫn tới sự vận động của quyền sở hữu. Sự thay đổi mức sở hữu của công ty này đối với vốn điều lệ của công ty khác dẫn tới thiết lập mối quan hệ công ty mẹ và công ty con hoặc chấm dứt mối quan hệ khác.
- Công ty con là một mô hình doanh nghiệp được doanh nghiệp khác đứng ra thành lập và cung cấp vốn để có thể hoạt động trong một số lĩnh vực tương ứng với doanh nghiệp đó. Công ty con được xem như một giải pháp thích hợp cho các doanh nghiệp trong việc hạn chế rủi ro gặp phải trong công việc đầu tư kinh doanh của mình.
- Đặc điểm quan hệ công ty mẹ – công ty con
– Công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, có sản nghiệp riêng (pháp nhân kinh tế đầy đủ);
– Công ty mẹ có lợi ích kinh tế nhất định liên quan đến hoạt động của công ty con;
– Công ty mẹ chi phối đối với các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty con thông qua một số hình thức như quyền bỏ phiếu chi phối đối với các quyết định của công ty con, quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm HĐQT, ban lãnh đạo hoặc quyền tham gia quản lý, điều một công ty có thể vừa là công ty con của một công ty mẹ vừa là công ty mẹ của một công ty khác.
– Trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con nói chung là trách nhiệm hữu hạn;
– Về mặt lý thuyết, mô hình quan hệ này sẽ tạo cho cơ cấu tổ chức của các công ty trong nhóm có chiều sâu không hạn chế; tức công ty mẹ, con công ty con, công ty cháu…
Lưu ý: Mặc dù công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, và nếu công ty con là công ty có trách nhiệm hữu hạn thì công ty mẹ chỉ chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp hay cổ phần của mình mà thôi, nhưng do mối quan hệ có tính chất chi phối các quyết định của công ty con, nên luật pháp nhiều nước bắt buộc công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về những ảnh hưởng của công ty mẹ đối với công ty con. Ví dụ như Luật công ty của Cộng hoà Liên bang Nga quy định nếu công ty mẹ đưa ra chỉ thị buộc công ty con phải thực hiện theo một cam kết nào đó giữa công ty mẹ và công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới.
- Ưu điểm của mô hình công ty mẹ – con
- Là một tổ chức kinh tế năng động: từ tổ chức ban đầu, liên kết có thể mở rộng ra với quy mô đa sở hữu ngày càng lớn, với sự hoạt động đa ngành, đa phương, thậm chí đa quốc gia;
- Địa vị pháp lý của công ty mẹ cũng như công ty con có tính độc lập, do đó các công ty con phát huy được sáng tạo, quyền tự chủ, tự do định đoạt để giải quyết những vấn đề nhanh hơn ở công ty.
- Nhờ có sức mạnh của Tập đoàn, của công ty mẹ mà vị thế của công ty con thường nâng cao hơn khi tham gia các quan hệ kinh tế.
- Tạo nên sức mạnh hợp nhất nguồn lực và cơ cấu tài chính: Công ty mẹ công ty con giúp cho việc nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sự hoà nhập giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh lấy việc phát triển khoa học công nghệ mới làm cơ sở liên kết. Các công ty con là đơn vị sản xuất kinh doanh còn nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu các công nghệ mới của công ty mẹ để biến thành lực lượng sản xuất, chuyển nhanh các sản phẩm đó ra thị trường. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty con.
- Mô hình này cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí và tái bố trí lại cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp bằng việc mua hoặc bán cổ phần của mình trong các công ty con.
- Chiếm lĩnh, mở rộng và củng cố thị trường; thu được nhiều lợi nhuận hơn.
- Với mô hình này, các doanh nghiệp có thể thực hiện được sự liên kết với các doanh nghiệp khác làm tăng khả năng canh tranh, tăng độc quyền của thiểu số phân tán sự rủi ro, cùng phối hợp hay chia sẻ các nguồn lực, tận dụng các thế mạnh của các cổ đông.
- Với mô hình này, công ty mẹ chắc chắn sẽ quản lý các công ty con một cách thường xuyên, sâu sát hơn. Thông qua người đại diện của mình tại các công ty con, công ty mẹ có thể nắm bắt chính xác, kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh tại đây. Bằng sự chỉ đạo của tập thể đứng đằng sau người đại diện công ty mẹ tại công ty con, các đại diện công ty con có nhiều khả năng ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của công ty con. Đó là điều không thể có trong các tổng công ty hiện nay.
- Mô hình công ty mẹ – công ty con cho phép một doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh bằng cách thành lập công ty con mới trong điều kiện vừa có thể kiểm soát được doanh nghiệp mới thành lập một cách hữu hiệu thông qua cổ phần khống chế, vừa không bị các nhà đầu tư chi phối đối với doanh nghiệp cũ.
- Mô hình công ty mẹ – công ty con sẽ phát huy được tính tự chủ sáng tạo của từng thành viên trong tập đoàn từ công ty mẹ đến các công ty con, hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty trong tập đoàn, do đó tạo ra sức mạnh của tập đoàn.
- Do có khả năng tập trung vốn lớn tạo điều kiện để đáp ứng nhanh thị trường trong nước cũng như quốc tế, tạo cơ hội cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế trong khu vực và thế giới
- Hạn chế của mô hình công ty mẹ – con
Mô hình tổ hợp công ty mẹ – công ty con có một số ưu điểm như trên. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này cũng có một số hạn chế. Cụ thể:
- Tập đoàn có thể trở thành nhà đầu tư độc quyền, dễ gây nên hiện tượng lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh chung.
- Do tính độc lập, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên các công ty con cạnh tranh lẫn nhau gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả tập đoàn.
- Việc quan tâm hơn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đến nghiêm cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật có thể dẫn tới nguy cơ mất việc làm của người lao động.
- Công ty con có thể bị phụ thuộc vào công ty mẹ, do đó khó theo đuổi mục đích khác của tập đoàn
- Nhược điểm Do tập trung vốn và nguồn lực lớn nên dễ dẫn tới tình trạng độc quyền kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Các CTM nắm giữ phần lớn cổ phần của các CTC nên nếu gặp sự cố sẽ kéo theo sự phá sản tại các CTC đó, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Hy vọng những phân tích về ưu điểm, hạn chế của mô hình công ty mẹ – công ty con có thể giúp quý khách đánh giá và đưa ra lựa chọn phù hợp cho mô hình công ty của mình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy gọi Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí!