T5, 06 / 2020 5:31 chiều | minhanh

Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… nên một số ngành, nghề kinh doanh được quy định phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể kinh doanh. Trong bài viết ngày hôm nay, Tư vấn Blue xin làm rõ về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhằm giúp quý khách hiểu rõ và lựa chọn được ngành, nghề kinh doanh phù hợp.

Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

     1. Thế nào là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện?

Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014 bao gồm 267 ngành nghề. Ví dụ: Kinh doanh dịch vụ bảo vệ, Kinh doanh bất động sản, Kinh doanh bảo hiểm, Kinh doanh dược, Kinh doanh dịch vụ lữ hành, Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường,…

Hiện nay, trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã đăng tải danh mục những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cùng với các quy định cụ thể về  điều kiện kinh doanh và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nội dung tương ứng.

     2. Điều kiện đầu tư kinh doanh

Doanh nghiệp muốn đầu tư kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện, cụ thể:

– Giấy phép kinh doanh (Giấy phép con) là loại giấy tờ do cơ quan Nhà nước cấp cho doanh nghiệp, thể hiện sự cho phép các doanh nghiệp tiến hành một số hoạt động kinh doanh cụ thể khi đã đáp ứng các điều kiện ràng buộc. Doanh nghiệp buộc phải có các giấy phép này khi hoạt động những lĩnh vực thuộc “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” theo quy định của Luật Đầu tư.

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh: Khi các chủ thể kinh doanh đã đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người… sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Ví dụ như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy,… Sau khi được cấp Giấy chứng nhận. doanh nghiệp được phép tiến hành kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực đã đăng ký;

– Chứng chỉ hành nghề: Chứng chỉ hành nghề là văn bản mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc Hiệp hội nghề nghiệp được Nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về một ngành, nghề nhất định.

Tùy vào từng ngành, nghề mà pháp luật quy định số lượng cá nhân có giấy chứng nhận hành nghề và vị trí của người có giấy chứng nhận hành nghề trong doanh nghiệp. Ví dụ: Yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề

–  Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của người được bảo hiểm phát sinh do việc vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp. Doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sự bảo đảm về mặt tài chính cho các cá nhân, tổ chức, công ty hành nghề chuyên môn đối với trách nhiệm dân sự phát sinh trong việc hành nghề chuyên môn.

–  Yêu cầu về vốn pháp định: thường được đặt ra đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm tài sản cao của doanh nghiệp hoặc các ngành, nghề có yêu cầu có cơ sở vật chất lớn. Ví dụ như: Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe có vốn pháp định là 300 tỷ, Hoạt động thông tin tín dụng yêu cầu vốn pháp định 30 tỷ đồng…

–  Các yêu cầu khác như: Văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc; Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản quy định.

     3. Một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phổ biến

– Sản xuất con dấu: Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ con dấu phải đáp ứng đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được cấp bởi cơ quan Công an có thẩm quyền;

– Kinh doanh dịch vụ cầm đồ: Cơ sở kinh doanh cần đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự Nghị định 96/2016/NĐ-CP 

– Kinh doanh dịch vụ cầm đồ: yêu cầu có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp;

– Dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm

+ Giấy phép hoạt động đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp.

+ Giấy phép hoạt động hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp.

– Xuất khẩu gạo: yêu cầu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công thương cấp.

Nếu quý khách còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, xin đừng ngần ngại liên hệ với Tư vấn Blue để được tư vấn một cách nhiệt tình và chi tiết nhất.

Bài viết cùng chuyên mục