Khi doanh nghiệp muốn mở thêm địa điểm kinh doanh mới để thuận tiện kinh doanh, quản lý và trao đổi với khách hàng có thể mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Mỗi loại hình lại có đặc điểm riêng biệt phù hợp với những mục đích khác nhau của doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp nên lựa chọn mở loại hình nào giữa chi nhánh và văn phòng đại diện?
Để có thể lựa chọn giữa thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện, chúng ta cần tìm hiểu rõ về hai loại hình này.
- Sự giống nhau giữa chi nhánh và văn phòng đại diện
– Đều là đơn vị phụ thuộc của một doanh nghiệp nào đó (ngân hàng, công ty..);
– Không có tư cách pháp nhân;
– Hoạt động nhân danh chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức đó;
– Tên doanh nghiệp đều được gắn tại chi nhánh và văn phòng đại diện;
– Hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện phải phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp.
- Sự khác biệt
2.1. Khái niệm về Chi nhánh và Văn phòng đại diện
– Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp
– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó
2.2. Về chức năng
– Chi nhánh: Chi nhánh có thể thực hiện đồng thời chức năng kinh doanh vừa chức năng đại diện theo ủy quyền
– Văn phòng đại diện chỉ có thể thực hiện được chức năng đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp chứ không có chức năng kinh doanh, tức là văn phòng đại diện chỉ thực hiện chức năng giao dịch và tiếp thị. Mục đích của văn phòng đại diện được hiểu một cách đơn giản là nơi để quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp, là nơi để giải đáp, tư vấn cho khách hàng.
2.3. Về hình thức hạch toán
+ Hình thức hạch toán:
Chi nhánh: có thể lựa chọn giữa hai hình thức hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập
Văn phòng đại diện: chỉ có hình thức hạch toán phụ thuộc
2.4. Về phạm vi thành lập
Chi nhánh: thành lập trong phạm vi ranh giới quốc gia, cùng tỉnh hoặc khác tỉnh đều được
Văn phòng đại diện: Có thể thành lập ở cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia
2.5. Kế toán và kê khai thuế
Chi nhánh:
- Khi chi nhánh đăng ký hình thức hạch toán phụ thuộc:
Nếu cùng tỉnh với công ty mẹ: công ty mẹ sẽ chịu trách nhiệm làm báo cáo thuế hàng quý, hàng năm, sử dụng chữ ký số công ty mẹ để nộp thuế môn bài.
Nếu khác tỉnh với công ty mẹ: chi nhánh sẽ phải khắc con dấu riêng, mua chữ ký số riêng để nộp thuế môn bài, làm báo thuế hàng quý. Riêng báo cáo tài chính cuối năm sẽ do công ty mẹ quyết toán.
- Chi nhánh khi đăng ký hình thức hạch toán độc lập:
Dù cùng tỉnh hoặc khác tỉnh thì đều phải mua chữ ký số riêng, làm khai thuế ban đầu như hồ sơ công ty mẹ, làm báo thuế hàng quý và quyết toán thuế cuối năm
Văn phòng đại diện:
Công ty mẹ sẽ nộp tờ khai lệ phí môn bài, nộp thuế môn bài, kê khai thuế cho văn phòng đại diện.
- Nên lựa chọn thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện?
Thông qua sự khác biệt giữa văn phòng đại diện và địa điểm doanh, doanh nghiệp nên dựa vào nhu cầu thực tế để quyết định lựa chọn thành lập loại hình đơn vị trực thuộc nào.
– Nếu doanh nghiệp chỉ muốn thành lập đơn vị phụ thuộc để có 1 địa chỉ để tiện giao dịch với đối tác, khách hàng mà không tiến hành những hoạt động kinh doanh thì nên thành lập văn phòng đại diện để tránh việc phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế phức tạp. Đặc biệt, đối với các ngành nghề dịch vụ không thực hiện trực tiếp tại địa chỉ của đơn vị như du lịch, xây dựng, tư vấn,….thì hình thức thành lập văn phòng đại là một lựa chọn phù hợp.
– Nếu doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh mà chỉ có chức năng kinh doanh, không có chức năng đại diện thì doanh nghiệp có thể lựa chọn lập địa điểm kinh doanh.
– Còn nếu, doanh nghiệp cần một địa chỉ để vừa giao dịch với đối tác khách hàng, vừa nhằm mục đích kinh doanh sinh lời thì nên thành lập chi nhánh công ty để thuận tiện cho việc kinh doanh. Chi nhánh được hoạt động kinh doanh như công ty mẹ, được quyền đăng ký con dấu riêng, thay công ty mẹ ký hợp đồng kinh tế. Chi nhánh cũng có thể kê khai nộp thuế riêng như một đơn vị độc lập nếu đăng ký là chi nhánh hạch toán độc lập. Việc hoạt động độc lập như vậy giúp thuận tiện cho khách hàng khi chỉ cần đến chi nhánh gần nhất để giao dịch thay vì phải đến trực tiếp trụ sở chính của công ty. Tuy nhiên, công ty khi thành lập chi nhánh sẽ phát sinh thủ tục kê khai thuế độc lập cho chi nhánh. Đối với chi nhánh hạch toán độc lập, cuối năm chi nhánh cần lập báo cáo tài chính cho hoạt động của mình.
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về chi nhánh hay văn phòng đại diện, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miến phí!